BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

CỔNG THÔNG TIN QUỐC GIA VỀ GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ

Ngày 05/07/2016-11:00:00 AM
Việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong bước thẩm định dự án (Báo cáo nghiên cứu khả thi)

a) Vướng mắc về chức năng nhiệm vụ giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở xây dựng chuyên ngành:

- Điều 40 của Luật Đầu tư công quy định một trong các căn cứ để tiến hành lập, thẩm định và phê duyệt dự án gồm: Chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Khả năng huy động và cân đối nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác để thực hiện chương trình, dự án. Mặt khác, theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1101/BKHDT-TH: Đối với các dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng do cấp tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư, Sở Xây dựng (gọi chung là sở xây dựng chuyên ngành) thẩm định phần kỹ thuật Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hoặc Báo cáo Kinh tế kỹ thuật đối với dự án quy mô nhỏ; Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chủ yếu về đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư công, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để thực hiện, làm cơ sở để xem xét bố trí trong kế hoạch đầu tư công. Căn cứ quy định hướng dẫn trên, khi thẩm định dự án (Báo cáo nghiên cứu khả thi) Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để thực hiện, làm cơ sở để xem xét bố trí trong kế hoạch đầu tư công.

- Trong khi đó, Luật Xây dựng lại quy định: Đối với các dự án có cấu phần xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Sở Xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định dự án (Báo cáo nghiên cứu khả thi) và nội dung thẩm định đã bao gồm cả nội dung “ đánh giá yếu tố bảo đảm tính hiệu quả của dự án gồm tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; chi phí khai thác vận hành; khả năng huy động vốn theo tiến độ thực hiện dự án; chi phí khai thác vận hành; khả năng huy động vốn theo tiến độ, phân tích rủi ro, hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án”. Căn cứ các nội dung trên, các Sở Xây dựng chuyên ngành đã có ý kiến việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thuộc trách nhiệm chính của cơ quan đầu mối thẩm định, khi cần thiết mới xin ý kiến thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

b) Vướng mắc về trình tự thực hiện: Luật Đầu tư công và công văn số 1101/BKHDT-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có quy định cụ thể về thời điểm tổ chức thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của cơ quan kế hoạch đầu tư tại bước thẩm định dự án (Báo cáo nghiên cứu khả thi). Do đó có nhiều cách hiểu để áp dụng khác nhau, cụ thể:

- Cách thứ nhất: việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của cơ quan Kế hoạch đầu tư ( cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư) được thực hiện đồng thời với quá trình thẩm định phần lý thuật của Báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư,…) của Sở Xây dựng chuyên ngành (cơ quan đầu mối thẩm định). Theo đó, Sở Xây dựng chuyên ngành có văn bản xin ý kiến của cơ quan Kế hoạch và Đầu tư khi thẩm định dự án. Ưu điểm của cách thực hiện này là đảm bảo được tổng thời gian thẩm định dự án không vượt quá quy định của Luật Xây dựng, nhưng có nhược điểm là các cơ quan Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến thẩm định về khả năng cân đối vốn tại thời điểm mà tổng mức đầu tư của dự án chưa được chuẩn xác (do chưa có kết quả thẩm định của Sở Xây dựng chuyên ngành), tiềm ẩn nguy cơ kết quả thẩm định không đảm bảo tính chính xác cao.

- Cách thứ hai: việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của cơ quan Kế hoạch và Đầu tư được thực hiện sau khi đã có kết quả thẩm định dự án của Sở Xây dựng chuyên ngành. Cách làm này có ưu điểm là việc thẩm định nguồn vốn được độc lập, tính chính xác cao hơn do đã chuẩn xác được tổng mức đầu tư, nhưng có nhược điểm là phát sinh thêm một bước (khâu) thẩm định, dễ bị hiểu là gây rườm ra thêm thủ tục hành chính. Để tránh xảy ra vướng mắc giữa các ngành cũng như đảm bảo việc thống nhất quản lý đầu tư trên địa bàn cả nước, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quan điểm cụ thể đối với UBND các địa phương cũng như hướng dẫn Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc về: - Nhiệm vụ của ngành Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn khi thẩm định dự án (Báo cáo nghiên cứu khả thi). - Thời điểm tổ chức thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn khi thẩm định dự án (thực hiện đồng thời với quá trình thẩm định dự án hay là thực hiện sau khi đã có kết quả thẩm định tổng mức đầu tư của sở xây dựng chuyên ngành).

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Đầu tư công, việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chỉ thực hiện ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư, không thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở bước phê duyệt dự án, tuy nhiên, việc phê duyệt các dự án đầu tư phải căn cứ vào Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp cóthẩm quyền. Do đó, trong văn bản số 1101/BKHDT-TH ngày 02 tháng 03 năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, các Sở Kế hoạch và Đầu tư khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dự án phải xem xét hiệu quả đầu tư của dự án, việc phê duyệt quyết định đầu tư có phù hợp với ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án tại bước phê duyệt chủ trương hay không để làm cơ sở xem xét bố trí trong kế hoạch đầu tư công.

Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 6014
  •  

Các tin mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Cổng thông tin Quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư

Đơn vị xây dựng, quản lý vận hành: Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Địa chỉ: 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024 73035899 (nhánh 103) | 080 43500. Email: dautucong@mpi.gov.vn