Theo các văn bản này, thành phần hồ sợ trình chấp thuận chủ trương đầu tư không có quy định về thiết kế sơ bộ làm căn cứ xem xét những ý tưởng ban đầu về quy mô, thiết kế của công trình, cũng như là cơ sở xác định tổng mức đầu tư của dự án. Luật Xây dựng cũng chỉ có quy định về thành phần hồ sơ đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (áp dụng cho dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A) mà không có quy định đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Theo Điều 3 và 52 của Luật này, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án có cấu phần xây dựng phải bao gồm cả hồ sơ thiết kế sơ bộ (là thiết kế được lập trong giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư, thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng của công trình, là căn cứ để xác định chi phí đầu tư và triển khai các bước thiết kế tiếp theo). Trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc nhận thấy đối với dự án có cấu phần xây dựng (nhóm B,C), dự án công nghệ thông tin cũng rất cần thiết phải có hồ sơ thiết kế sơ bộ, bởi các căn cứ và lý do sau: (1) Để cụ thể hơn danh mục “các tài liệu liên quan khác” theo hướng dẫn tại công văn số 1101/BKHDT-TH; cũng như phù hợp với đặc thù của từng loại hình dự án (dự án có cấu phần xây dựng, dự án không có cấu phần xây dựng, dự án công nghệ thông tin,…). (2) Đặc thù của các công trình xây dựng đó là chi phí đầu tư xây dựng công trình hiệu quả công trình phụ thuộc nhiều vào địa điểm đầu tư xây dựng, tổng mặt bằng, hướng tuyến xây dựng, giải pháp thiết kế kỹ thuật - công nghệ ban đầu,… dẫn đến cùng một thiết kế và quy mô nhưng xây dựng ở những địa điểm, vị trí khác nhau. Vì vậy, khi thẩm định chủ trương đầu tư thì rất cần phải có những bản vẽ thể hiện những ý tưởng ban đầu về thiết kế xây dựng công trình, lựa chọn sơ bộ về dây chuyền công nghệ và thiết bị để từ đó định hình được tính chất kỹ thuật cơ bản nhất của công trình, làm cơ sở xác định chi phí đầu tư dự án, khả năng cân đối nguồn lực đầu tư được chính xác hơn. (3) Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là một lĩnh vực đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công (khoản 4 Điều 5). Tại khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định Hồ sơ đề xuất dự án (tương đương với khái niệm Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) có quy định “ Đối với dự án có cấu phần xây dựng, ngoài các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, đề xuất dự án bao gồm thiết kế sơ bộ theo quy định của pháp luật về xây dựng”. Như vậy, đối với dự án hợp tác công tư cũng có yêu cầu về thiết kế sơ bộ thì đối với các dự án sử dụng 100% vốn nhà nước cũng phải có loại thiết kế này là phù hợp. (4) Không có cơ sở để khẳng định dự án nhóm B,C có yêu cầu về mặt kỹ thuật xây dựng đơn giản và dễ xác định được tổng mức đầu tư hơn so với dự án nhóm A. Từ những nôi dung nêu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư có quan điểm khẳng định việc yêu cầu có hồ sơ thiết kế sơ bộ (tùy theo tính chất kỹ thuật của từng công trình, dự án mà sẽ yêu cầu những loại bản vẽ sơ bộ khác nhau) khi trình Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư là không sai quy định, phụ thuộc vào từng loại hình dự án.
Trả lời: Tại văn bản số 1101/BKHDT-TH ngày 02 tháng 03 năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư trong đó có: (1) Tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền quiets định chủ trương đầu tư dự án; (2) Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo đề nghiên cứu tiền khả thi theo quy định của Luật Đầu tư công, bao gồm cả báo cáo thẩm định trong nội bộ của các bộ, ngành, địa phương; (3) Các báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các cấp theo quy định của Luật Đầu tư công; (4) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan thẩm định; (5) Các tài liệu liên quan khác theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với các tài liệu liên quan khác theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư sẽ tùy theo đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư có thể yêu cầu bổ sung. Như vậy, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư có thể quy định bổ sung thêm các tài liệu như: thiết kế sơ bộ, các bản vẽ sơ bộ,…trong hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân
Bộ Kế hoạch và Đầu tư