Trong đó một số phần công việc như GPMB, di dân và tái định cư,… được hình thành một tiểu dự án thành phần độc lập (gọi chung là dự án thành phần) và giao địa phương quản lý, quyết định đầu tư nhưng vẫn sử dụng vốn Trung ương. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thành phần như dạng nêu trên có 02 cách hiểu khác, gồm: (1) Cách thứ nhất: Cấp địa phương không phải tiến hành thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án thành phần, bỏi Bộ ngành TW đã thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án tổng thể, trong dự án tổng thể đã có sự phân chia các dự án thành phần khác nhau. (2) Cách thứ hai: theo quy định chung về quản lý đầu tư thì dự án thành phần độc lập được quản lý như một dự án riêng biệt. Do đó, với các dự án thành phần giao cho địa phương quản lý vẫn phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể hơn để triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Trả lời:
- Đối với các dự án thành phần được phê duyệt quyết định đầu tư trong một quyết định tổng thể của các Bộ ngành trung ương quản lý (không có quyết định đầu tư riêng cho từng dự án thành phần) thì các Bộ ngành trung ương chịu trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư toàn bộ dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.
- Đối với các dự án thành phần thuộc dự án tổng thể của các Bộ ngành trung ương nhưng giao cho địa phương phê duyệt quyết định đầu tư riêng, thì địa phương phải thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thành phần này như một dự án độc lập.
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân
Bộ Kế hoạch và Đầu tư