Phúc đáp Công văn số 12859/BGTVT-KHĐT ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn xử lý vướng mắc trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý, đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu văn bản nêu trên và các văn bản liên quan và có ý kiến như sau:
1. Về nguồn vốn ngân sách trung ương:
Tổng hợp sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải (bố trí cho các dự án chuyển tiếp thanh toán nợ xây dựng cơ bản, hoàn ứng trước, đối ứng các chương trình, dự án ODA đã là khoảng 85.890,3 tỷ đồng) gấp 42,87 lần so với kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (vốn trong nước) năm 2015, cụ thể như sau:
- Số vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (vốn trong nước) theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) khoảng trên 2.262,3 tỷ đồng.
- Số vốn ứng trước cho Bộ Giao thông vận tải cho đến nay là rất lớn khoảng trên 15.000 tỷ đồng.
- Vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA là 51.901 tỷ đồng, trong đó các dự án chuyển tiếp là 36.426 tỷ đồng.
- Các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải hiện nay là rất lớn khoảng trên 16.727 tỷ đồng.
Trong khả năng cân đối ngân sách nhà nước như hiện nay, kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 chỉ có thể đáp ứng yêu cầu bố trí vốn cho Bộ Giao thông vận tải để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả 50% số vốn ứng trước, bố trí đủ vốn cho các chương trình, dự án ODA; bố trí đủ vốn để hoàn thành các dự án chuyển tiếp là đã rất cố gắng. Về cơ bản kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước sẽ không cân đối được nguồn để bố trí cho các dự án khởi công mới của Bộ Giao thông vận tải.
Theo quy định của Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2015 (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2015) của Chính phủvà Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 quy định:
"Đối với Bộ, ngành trung ương và địa phương có số nợ đọng xâydựng cơ bản và số ứng trước lớn (kế hoạch đầu tư trung hạn nếu bố trí đủ để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, sẽ không còn nguồn để đối ứng các chương trình, dự án ODA, bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp), yêu cầu Bộ, ngành trung ương và địa phương:
- Bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản.
- Bố trí vốn để thanh toán khoảng 50% số vốn ứng trước theo ngành, lĩnh vực, chương trình.
Sốvốn còn lại bốtrí để đối ứng các chương trình, dự án ODA, các dự án chuyển tiếp. Không được bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn để khởi công các dự án mới, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định".
Do đó, dự án khởi công mới nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Về nguồn vốn trái phiếu Chính phủ:
Hiện nay Quốc hội chưa có chủ trương phát hành vốn trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn tới. Theo hướng dẫn tại văn bản số 1100/BKHĐT-TH ngày 27 tháng 02 năm 2015 về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 quy định:
"Đối với các dự án khởi công mới dự kiến đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 chưa bố trí được vốn chuẩn bị đầu tư để phê duyệt quyết định đầu tư dự án, đề nghị các bộ, ngành, địa phương dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư. Sau khi có chủ trương đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 sẽ triển khai chuẩn bị và phê duyệt theo quy định tại Luật Đầu tư công".
Do đó, đề nghị Bộ Giao thông vận tải sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 sẽ tiến hành làm các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và Quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công./.
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư